Giáo dục Việt Nam: Người đương thời Đỗ Việt Khoa: GD phổ thông như cái áo thủng lỗ chỗ

“Giáo dục Việt Nam 2011 đã không như kỳ vọng của nhiều người. Giáo dục chậm đổi mới, cái hay vẫn thế và cái dở thì nảy nở nhanh…”

Nhận lời trả lời phỏng vấn báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đúng ngày mùng 1 Tết Nhâm Thìn, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người hùng chống tiêu cực trong giáo dục, đã bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở và sự kỳ vọng với nền giáo dục Phổ thông trong năm 2012.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết: "Cái hay vẫn thế. Cái dở nảy nở nhanh hơn"


“Cái hay vẫn thế, cái dở nẩy nở nhanh”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Thường Tín (Hà Nội) nhận xét về giáo dục Phổ thông trong năm 2011: “ Dù muốn hay không thì giáo dục năm 2011 nói chung và giáo dục Phổ thông nói riêng vẫn tiếp tục phát triển theo đúng quy luật của nó. Tuy nhiên, nó không như  kỳ vọng của nhiều người. Giáo dục chậm đổi mới. Cái hay vẫn thế và cái dở thì nảy nở nhanh”.
Là một nhà giáo có thâm niên công tác trong ngành giáo dục, luôn theo sát từng sự kiện giáo dục và dành rất nhiều tâm huyết, mong muốn “cải tổ” đổi mới giáo dục, thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ: “Giáo dục Phổ thông trong năm 2011, điểm nhấn hay là sự đột phá mới theo tôi là không có. Giáo dục Phổ thông trong năm qua có nhiều lung túng và “điểm đen”.

Thứ nhất là sự kiện thông đồng chấm thi tốt nghiệp nhằm nâng điểm cho học sinh ở 9 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Nó là một nguyên nhân làm cho tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 cao bằng, thậm chí hơn so với trước 2006.  Hệ bổ túc THPT ở nhiều địa phương tỉ lệ cao hơn cả hệ THPT. Giáo viên nhiều nơi cho tôi biết: “Những cái xấu trong thi cử bây giờ đã phục hồi trở lại”.

Thứ hai là sự kiện hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử trong kỳ thi ĐH, CĐ.

Thứ ba là nở rộ tình trạng nữ sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng. Trong khi đó trước kia đánh nhau là chuyện của học sinh nam. Không lẽ bây giờ nữ sinh thích bạo lực hơn nam sinh rồi? 
Thứ tư là chuyện xâm phạm thân thể nhân phẩm của thầy và trò  khiến xuất hiện nhiều trường hợp tự sát. Chuyện này báo chí nói mãi mà người ta không sửa. 
Thứ năm là bùng nổ lạm thu, có báo gọi lạm thu hơn cướp cạn. Thực chất nó là tham nhũng. Sự bất lực, làm ngơ, xử lý không triệt để của các cấp khiến bệnh này không chữa được…”


Trên không nghiêm dưới… làm càn
Nói về những bất cập, khó khăn của giáo dục Phổ thông trong năm 2011, thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ: “Vô số khó khăn. Và cái khó khăn lớn nhất vần chỉ là 1 chữ “Nghèo”. Chúng ta đang thiếu tiền để phát triển giáo dục. Hệ quả là nền giáo dục của ta cứ trì trệ và kém hiệu quả. Học sinh của chúng ta đang học để đối phó với thi là chính. Đạo đức nhà giáo và nhà quản lý ngày càng đi xuống…”
Thầy Khoa dẫn ra rất nhiều những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém và bất cập đó trong nền giáo dục Phổ thông. Trong số rất nhiều những nguyên nhân, thầy Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh một hiện trạng, đó là: “Trên không nghiêm dưới làm càn”.

Ở rất nhiều cơ sở giáo dục, lợi ích cục bộ bị xem nhẹ, quyền lợi của người học bị đặt dưới quyền lợi của một số cán bộ, giáo viên. Thầy cũng chỉ ra rắng, sự chi phối của những quyền lực ngầm trong giáo dục đã và đang sa đà và trượt dài hơn nữa…và giáo giới  thì trở nên an phận, nhút nhát hơn, buông xuôi để mặc cái xấu.
“Trường học đang nửa trường, nửa chợ”
Thầy Đỗ Việt Khoa đã dùng hình ảnh của “chiếc áo thủng lỗ chỗ” và hai từ “muôn vẻ” để hình dung về nền giáo dục Phổ thông trong năm 2011. Thầy Khoa trải lòng mình: “Nếu được dùng một hình ảnh để nói về giáo dục Phổ thông trong năm 2011 tôi xin lấy hình ảnh chiếc áo thủng lỗ chỗ để hình dung.

Giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng giống như tấm áo thủng lỗ chỗ. Trường học đang ngày càng nửa trường nửa chợ. Chợ lớn nhanh hơn trường… Thực tế này đáng buồn và cũng đáng báo động. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận chiếc áo đó vẫn còn có những chỗ còn lành lặn, sạch sẽ như giáo dục miền núi, vùng sâu chẳng hạn…”
"Tôi không kỳ vọng nhiều về sự đổi mới giáo dục trong năm 2012.
Dự đoán về giáo dục Phổ thông năm 2011, thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ: “Theo tôi, giáo dục phổ thông năm 2012 sẽ vẫn thế thôi. Nó sẽ giống với năm 2011, tức là cái hay vẫn thế và cái dở thì sẽ nảy nở và phát tán nhanh hơn. Lí do cũng thật đơn giản khi các nhà quản lý giáo dục cấp cao của chúng ta chưa và không có được những quyết định mang tính đột phá và những tư duy mới, “cấp tiến” trong giáo dục”.
Cán bộ, giáo viên nào gian dối, tham nhũng thì… cho nghỉ việc
“Khó vô cùng! Nếu bộ máy cán bộ quản lý giáo dục vẫn thế này thì mọi giải pháp đều vô hiệu. Giải pháp gì thì cũng phải bắt đầu từ đạo đức, trách nhiệm của bộ máy cán bộ đó. Họ không thay đổi thì đừng mong giáo dục thay đổi…
Tôi chỉ có một đề xuất thế này: “Hễ cán bộ giáo viên nào gian dối, tham nhũng thì cho thôi việc””, thầy Khoa cho biết.
Mong muốn lớn nhất của thầy giáo Đỗ Việt Khoa trong năm 2012 là phải chấm dứt được tệ lạm thu. “Không chấm dứt được lạm thu thì những chuyện khác coi như không làm được. Đồng tiền đang làm mờ mắt nhiều người, kể cả nhà giáo và nhà quản lý…” thầy Khoa nhấn mạnh.

0 Để lại nhận xét: