Giáo dục Việt Nam: Vào “mùa” sáng kiến kinh nghiệm

 - Những ngày này, nhiều giáo viên râm ran hỏi han, bàn bạc với nhau: Sáng kiến kinh nghiệm làm đến đâu rồi, phải nhanh tay thôi, không khéo trễ thời gian là qua “phà”.
Trong ngành giáo dục, ai cũng biết giáo viên muốn đạt và công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hay cấp thành phố thì phải hội đủ hai điều kiện: thứ nhất phải có thành tích nhất định trong giảng dạy, thứ hai sáng kiến kinh nghiệm phải được hội đồng cấp phòng, sở đánh giá xếp loại C trở lên.
Cái khó của giáo viên không phải ngại đầu tư, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới áp dụng thực tế sao cho mang lại hiệu quả, tỉ lệ học sinh khá, giỏi và lên lớp cao, mà cái lo và mất nhiều công sức đầu tư của giáo viên là khâu viết sáng kiến kinh nghiệm.

Có giáo viên hạn chế viết lách, ngại suy nghĩ nên không thể viết sáng kiến kinh nghiệm theo các yêu cầu, tiêu chí, nội dung, cấu trúc hướng dẫn nên đầu năm chỉ đăng ký đề tài cho có để nhà trường báo cáo về phòng GD-ĐT. Đến cận thời gian nộp mới tất bật gọi điện, nhắn tin bạn bè xin thêm tư liệu hay lên mạng tải về “xào, nấu” thêm để bổ sung cho bài viết sáng kiến của mình được phong phú.
Có giáo viên làm kiểu quy trình ngược: đáng lẽ sáng kiến kinh nghiệm của mình đầu năm vạch ra và đem áp dụng trong thực tế, đánh giá hiệu quả như thế nào, trái lại giờ giáo viên ấy mới chạy đôn chạy đáo tìm kiếm tư liệu rồi lên máy tính viết 9-10 trang cho có lệ. Thử hỏi bài như vậy có phải là sáng kiến kinh nghiệm không? Đó là chưa kể nhiều giáo viên muốn sáng kiến kinh nghiệm của mình được đánh giá cao nên không ngại “mượn” thêm ý tưởng của đồng nghiệp từ nhiều nguồn. Không biết hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm có nhận ra điều này?
Thực tế, việc kèm theo điều kiện có sáng kiến kinh nghiệm để xét công nhận chiến sĩ thi đua vô tình làm bệnh thành tích sinh sôi, nảy nở, phát triển.
Bài cùng chủ đề
Mấy hôm nay, trường tôi cứ sôi sình sịch về việc thu, nộp các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Và cũng mấy ngày, tôi lại cứ vớ vẩn nghĩ về cái phong trào vô cùng hình thức này. Cũng thành thật xin lỗi các đồng nghiệp đã, đang và sẽ có những công trình có tính khoa học và nghiêm túc trong lĩnh vực này.
Phong trào viết áp dụng sáng kiến, kinh nghiệm (SKKN) trong nhà trường đã có từ rất lâu. Công bằng mà nói, nhiều SKKN của các nhà giáo là sản phẩm trí tuệ, khoa học và tâm huyết có giá trị sử dụng trong thực tiễn khá tốt. Nhưng trong vài năm gần đây(không, có lẽ phải mấy chục năm gần đây), phong trào này lại trở thành một biểu hiện hình thức nhất trong bệnh hình thức của ngành. Khỏi phải nói về bệnh hình thức trong giáo dục.
Thời còn làm Bộ trưởng, Ông Thiện Nhân quả là một thầy lang cao tay bắt mạch. Ông bắt đúng bệnh lớn nhất của ngành. Nhưng thực tế chuyên môn của ông cũng chỉ làng nhàng, không chữa được, ông để bệnh nhân cứ chết lâm sàng rồi… lên trên ngồi ngắm và phán. Bệnh này có căn của nó là bệnh háo. Háo danh hiệu thi đua. Bản thân thi đua là tích cực nhưng thi đua một cách hình thức lại mang lại hiệu quả thấp, thậm chí là hậu quả. Danh hiệu thi đua phải bằng thực tế công việc và kết quả công việc. Danh hiệu thi đua phải là kết quả xứng đáng của quá trình làm việc tự giác và mang tính giáo dục. Vậy mà, vì háo danh hiệu: CSTĐ, LĐTT, LĐTTXS…  cấp này cấp nọ nên phong trào viết và áp dụng SKKN cứ vào chặng nước rút là vô cùng sôi động và cũng… vô cùng bi-hài. Tôi không thể kể hết những chiêu, những trò mà các nhà giáo diễn trong cái gọi là phong trào này. Mặc, chỉ cần được xếp loại C cấp trường là có thể đạt danh hiệu LĐTT rồi. Nực cười, tôi đã nhiều lần làm chủ tịch HĐKH cấp trường chấm SKKN, có đồng ngiệp năn nỉ: “Anh nhớ đừng để em loại A nhé”. Khốn khổ, xếp loại A là phải gửi về Phòng mà. Tất nhiên, những SKKN kiểu như thế chỉ đạt loại… “Không xếp loại”. Đấy là thời điểm đó. Còn ở “thời thổ tả” này, chỉ có nước ngoảnh mặt làm ngơ. Gần 30 năm dạy học, tôi đã có chí ít 02 SKKN được xếp loại C cấp tỉnh nên rất rõ  việc làm nghiêm túc về SKKN. Vậy mà, mấy cháu mới ra trường 1, 2 năm đã lại bị cuốn vào cái SKKN này. Khổ, mới dạy chưa được trăm tiết, lấy đâu ra sáng với chảkiếnkinh với chả nghiệm. Đến người nhà mà các cấp quản lí vẫn ép các cháu thì thật là.. mất dạy!
Sao không dành thời gian đó mà xem lại việc dạy và học cho thật chu đáo đi. Vừa đỡ cho đồng nghiệp, vừa có lợi cho con em nhân dân. Tôi xin kết thúc suy nghĩ của mình bằng một câu của thầy giáo Lãng trường Hải Xuân trong phim “Rừng chắn cát” đang chiếu trên VTV1 :”Thật vớ va vớ vỉn!”.
Link: http://quechoa.info/2012/02/28/suy-nghi-v%E1%BB%9B-v%E1%BA%A9n-v%E1%BB%81-m%E1%BB%99t-phong-trao-v%E1%BA%A9n-v%C6%A1/
+ + + + +
Như thường lệ, cứ đến cuối năm (Lịch của làng - một năm có 10 tháng) cư dân làng ấy lại đến mùa thu hoạch "bí đao". Vào mùa "bí", điện thoại của từng cư dân nóng ran, máy tính, đường truyền internet của họ cũng nóng ran để quảng cáo, để chiêm ngưỡng, để trao đổi nhau những "trái bí" họ cho là to nhất, đẹp nhất, ấn tượng nhất.
Bí đao - Benincasa hispida (còn gọi là bí xanh, bí phấn) - minh họa
            Những "trái bí đao" của họ đa dạng, đủ sắc màu sặc sỡ, đủ hình thù, đủ chủng loại. Những "trái bí" của bà con cư dân, của trưởng thôn, của trưởng xóm … thôi thì muôn hình vạn dạng, trăm hoa khoe sắc!
Canh được chế biến bí đao (minh họa)
            Sau khi "thu hoạch", những trái "bí đao" ấy được từng người miệt mài "chế biến". Họ đầu tư bằng trí tuệ, bằng tâm huyết, bằng kinh nghiệm, ... để chế biến ra những "món" được họ cho là đặc sắc nhất, đẹp mắt nhất. Họ dùng "bí đao" để "luộc", để "xào", để "nấu" … . Họ chọn những loại "gia vị" mà chỉ họ mới có để chế biến làm sao mỗi món của họ phải khác những món của cư dân trong vùng.
            Sản phẩm tâm huyết nhất của mỗi cư dân đều được tập hợp lại để dự thi. Đối tượng dự thi thì đầy đủ các thành phần, từ người mới học nghề đến những người lão làng đều có sản phẩm. Với những nghệ nhân thì họ có cách làm riêng của họ.
            Họ mang đến hội thi những sản phẩm được đặt tên bằng mỹ từ hay nhất. Đến hội thi mới thấy giá trị của những sản phẩm ấy lớn lao, kì vĩ biết nhường nào!
Hội thi gói bánh chưng (minh họa)
            Ban giám khảo được lập ra để chấm điểm, xếp giải cho những sản phẩm nào mà họ cho là đặc sắc nhất, có ý nghĩa nhất, có giá trị nhất. 
           Chẳng ồn ào như ban giám khảo của "Bước nhày hoàn vũ", chẳng ầm ĩ như ban giám khảo của "Việt Nam Idol". Ban giám khảo này làm việc lặng lẽ như những mức thù lao khiêm tốn mà họ xứng đáng được nhận!
            Biểu điểm được Ban Giám khảo lập ra với những tiêu chuẩn nhất định, trong số những tiêu chuẩn, tiêu chí chấm điểm mỗi món ăn ấy, có tiêu chí: trong năm vừa qua sản phẩm phải được các "thực khách" sử dụng và đánh giá cao!
Ban giám khảo của Bước nhảy hoàn vũ:
Ban giám khảo của Bước nhảy hoàn vũ: Lê Hoàng, Khánh Thi, Nguyễn Quang Dũng, Chí Anh. 
Ảnh: Đức Quang VNExpress
            Sau khi ban giám khảo chấm điểm, kết quả được công bố và trao giải cho mỗi tập thể và từng cá nhân. Cả ban giám khảo, cả trưởng thôn, trưởng xã và các cư dân cũng chẳng cần quan tâm sản phẩm đạt giải có được "thực khách" nào dùng không. Nhưng ...... tất cả họ đều hiểu giá trị của những sản phẩm đạt giải ấy!
            "Món ăn" được chế biến từ những trái "bí đao" không có vị như mứt bí để làm ngọt thêm hương vị ngày tết, không được mát như canh bí trong những ngày hè, cũng không được mượt như mỹ phẩm làm từ bí đao. Nhưng sản phẩm được chế biến từ những "trái bí" của cư dân làng ấy được dùng để tô hồng thêm cho những bản báo cáo thành tích của trưởng thôn, của trưởng xã … và nếu may mắn đạt giải trong hội thi thì người "chế biến món ngon" cũng sẽ được tô hồng cho bản thành tích của cá nhân mình.
Mứt được chế biến từ bí đao (minh họa)
            Làng ấy là làng giáo. Mùa ấy là mùa "viết sáng kiến kinh nghiệm". "Bí" thì "đao" (download) nên cư dân trong làng gọi là "bí đao".
              Thời điểm này, làng "bí đao" đã vào hội.
Đã từng có hiện tượng "ăn cắp" SKKN để in vào sách (Việt báo)

0 Để lại nhận xét: