Giáo dục Việt Nam: CON THUYỀN GIÁO DỤC


  T ối nay, mới hơn bảy giờ, thằng bạn đã ghé chơi. Hai thằng nhâm nhi ly rượu thuốc. Tôi có hơn chục bình rượu, ngâm đủ loại tắc kè, hải mã, mật nhân, đương quy, thuốc bắc, sâm Cao ly...nhưng bản thân lại không thích uống. Mỗi lần có bạn đến chơi, tôi mới lôi ra đãi và cũng nhấm nháp chút đỉnh.
         Thằng bạn hôm nay rất lạ. Hắn làm hết hai ly mà thái độ vẫn im lặng. Chắc trong lòng có nhiều tâm sự. Tôi biết tính hắn, chẳng cần hỏi, chút nữa thế nào hắn cũng phun ra.
         Quả vậy, hắn thủng thỉnh nói:
         - Mình mới thăm người bạn ở Mỹ về. Hồi ở Việt Nam, hắn phụ trách ban nhạc nhà thờ. Hắn nói chuyện về việc dạy và học ở Mỹ làm mình phải suy nghĩ.
         - Suy nghĩ chuyện gì nào?lưu ảnh mới
         - Hắn bảo khi mới sang Mỹ, thằng con út đang học trung học cơ sở. Thằng lỏi cứ nằng nặc đòi về Việt Nam học. Nhưng hắn kiên quyết ép con học trường Mỹ. Ba tháng sau, hắn hỏi con có muốn về Việt Nam học không? Con hắn trả lời là không. Hắn lại hỏi tại sao? Con hắn nói học ở đây không phải học thêm, ít bài tập về nhà. Cô giáo chỉ cho bài tập làm tại lớp. Cho nhiều bài vào giữa tuần và ít dần về cuối tuần. Ngày nghỉ không có bài. Ước gì ở ta cũng được như vậy. Chương trình học ở ta quá nặng. Học sinh học trên lớp không đủ, phải học thêm. Giáo viên dù cố gắng dạy hết tiết, giảng cũng không hết bài, thì làm gì mà học sinh hiểu. Ngay lớp một là lớp đầu đời mà cũng phải học thêm. Thế có nản không?

         - Cái này thì đúng. Quốc hội có ý kiền rồi nhưng chưa thấy chuyển.
         - Phải nói là không chuyển được. Có ai quyết được đâu. Cái cách làm sách giáo khoa cũng chỉ có ở ta. Năm nào cũng phải mua sách giáo khoa mới. Ngoài bộ sách giáo khoa chính, lại thêm hàng loạt sách tham khảo. Nhiều trường, hiệu trưởng cũng soạn sách tham khảo bắt học sinh mua. Thật hết sức lãng phí. Ngay bộ sách giáo khoa chuẩn cũng đầy rẫy lỗi. Rất nhiều lỗi khó hiểu, ngây ngô. Hồi mình còn đi học, một bộ sách giáo khoa, anh chị học xong, năm sau em học tiếp, năm sau nữa cũng thế. Chỉ phải mua bộ mới khi anh chị lên lớp thôi. Còn học thêm thì chỉ có tổ chức tự học nhóm, kèm cặp học sinh yếu hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi. Bây giờ học thêm tràn lan. Học thầy cô nào thì phải học thêm thầy cô ấy. Không học hoặc học thầy cô khác là bị đì ngay. Chán.
         - Theo ông thì phải làm như thế nào?
         - Cần phải soạn lại sách giáo khoa. Đảm bảo chương trình học sau năm năm mới phải thay sách. Chẳng cần phải nhọc lòng nghiên cứu. Ta cứ lấy các bộ sách giáo khoa của các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga...nghiên cứu mà phăng ra của mình. Phần học các môn tự nhiên thì nước nào cũng na ná như nhau. Các môn xã hội thì đưa các tác phẩm văn học nổi tiếng, những tác phẩm được giải cao của thế giới, của Việt Nam vào sách giáo khoa. Cần chú trọng sự thật lịch sử từng giai đoạn, có cách diễn tả mới mẻ để cuốn hút học sinh. Học như hiện nay nặng nề lắm, học sinh không có hứng thú học. Học văn mà học theo mẫu, chấm văn như chấm toán thì làm sao học sinh có sự thăng hoa độc lập về tư tưởng. Có chăng chỉ tạo lên các robo giống y như nhau thôi. Ngoài bộ sách giáo khoa chính, do tình hình phát triển của khoa học, sự biến động của nhân loại, hàng năm bổ sung kiến thức mới bằng các sách tham khảo cho các cấp học cao. Nếu chương trình nhẹ đi thì sẽ không còn hiện tượng dạy thêm, học thêm nữa.
         - Ông nói thế cũng chưa chuẩn lắm. Bộ giáo dục có hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nếu không sử dụng họ viết sách giáo khoa thì lãng phí lắm. Chẳng lẽ cứ năm năm sử dụng họ một lần, thời gian còn lại họ chơi à? Ta phải tận dụng chất xám của đội ngũ trí thức này chứ. Mỗi năm thay một bộ sách giáo khoa nghe thì có vẻ lãng phí, nhưng nếu mỗi học sinh một bộ thì cũng chẳng tốn bao nhiêu. Xã hội hóa mà. Còn về học thêm, dạy thêm cũng có nguyên nhân của nó.
         - Nguyên nhân gỉ?
         - Này nhé! Giáo viên của ta đồng lương chưa đủ sống (trừ giảng viên đại học). Vậy nên các thầy, các cô phải dạy thêm để cải thiện. Giống như bác sỹ mở phòng mạch tư thôi. Còn về học thêm thì còn do yêu cầu của phụ huynh học sinh nữa. Ngoài buổi học chính, phụ huynh không biết gửi con ở đâu để mình còn đi làm. Nếu không học thêm chẳng lẽ nhốt chúng ở nhà để chúng phá phách hoặc chúng bỏ đi chơi gems cũng chết. Thôi thì tốn thêm một khoản, giao cho thầy cô quản lý hộ thì yên tâm hơn.
         - Ông nói thế thì thà không nói còn hơn. Phải có giải pháp gì chứ?
         - Giải pháp thì có nhưng còn bàn, chưa thống nhất được. Chắc chắn về lâu, về dài Bộ giáo dục sẽ đổi mới.
         - Nhưng đến bao giờ mới hết cảnh học và dạy như hiện nay.
         - Thì đã bảo, cứ từ từ, không việc gì mà vội. Ông nóng tính quá.
         - Không nóng sao được. Tình trạng giáo dục hiện nay đã đến lúc không chịu được nữa rồi. Đấy là tôi chưa nói đến đại học mở hàng loạt dẫn đến không có học viên, bệnh thành tích, các loại sổ giao viên phải quản lý...làm rối rắm thêm cho nền giáo dục nước nhà.
         - Phải kiên trì ông à. Các bác trên trung ương chưa lấy làm vội mà ông cứ hoắng cả nên. Cẩn thận kẻo lại lên máu, đột quỵ là tiêu đời đấy. Nén xuống! Nén xuống!
          Tôi vuốt ngực hắn cho hạ cơn bức xúc. Cứ nhìn hiện tượng mà bức xúc thì đến tết Công gô cũng không hết bức xúc được. 
          Hắn ngồi im, lơ đãng nhìn bức tranh phong cảnh trên tường. Không khí có vẻ hơi nực hơn mọi ngày.
          Thời tiết đang chuyển mùa. Nam bộ đã chính thức bước vào mùa khô. Một năm mới sắp đến gần.

0 Để lại nhận xét: